Các cấp Hội chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu
15:35 - 29/09/2023
(MTNT)- Thực hiện Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Hội về “Nâng cao trách nhiệm của Hội ND Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu”, các cấp Hội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, các ngành tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tổ chức nông dân tham gia thực hiện các chương trình, dự án và giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường; xây dựng hàng nghìn mô hình, tập huấn, hướng dẫn hội viên, nông dân về thu gom, xử lý rác thải, về bảo vệ môi trường trong làng nghề, trong trang trại, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Phát động các phong trào “Nông dân chung tay bảo vệ môi trường”, “Nông dân nói không với túi nilon”, “Nông dân trở thành người tiêu dùng xanh”...
Các cấp Hội đã chủ động phối hợp với chính quyền các cấp, các ngành hướng dẫn hội viên, nông dân về thu gom, xử lý rác thải, về bảo vệ môi trường trong làng nghề, trong trang trại, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...


Các mô hình được xây dựng phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể ở từng vùng, miền, tập quán sinh hoạt, canh tác ở địa phương, mang lại hiệu quả rõ rệt, có thể nhân rộng, được cấp ủy, chính quyền, các ngành và người dân ghi nhận như: Mô hình “Cánh đồng không bao bì thuốc bảo vệ thực vật”, “Tổ thu gom rác thải sinh hoạt, bao bì thuốc bảo vệ thực vật”, “Nói không với túi nilon và rác thải nhựa”,”Nông dân thu gom, phân loại và xử lý rác thải, chất thải nông thôn thành phân bón tại nguồn”; “Ứng dụng chế phẩm vi sinh trong sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học”,”Nhà sạch, đường sạch, đồng ruộng sạch”,”Trồng cây phân tán trên các tuyến kênh chống gió, bão, lũ lụt và biến đổi khí hậu”…
 
 
Đáng chú ý, thông qua các hoạt động thực hiện Nghị quyết, nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu được nâng lên; bước đầu hình thành ý thức trách nhiệm, hành vi sống thân thiện với môi trường.
 
 
Tại Lai Châu, dự án “Tăng cường tiếng nói và năng lực cho người dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương ứng phó với biến đổi khí hậu tây bắc Việt Nam” (Dự án VOF) được triển khai tại sáu thôn, bản thuộc các huyện Tam Đường, Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) thông qua thực hiện mô hình Làng nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu. Người dân tham gia dự án được quan sát, tập huấn kỹ thuật và thực hiện các mô hình canh tác có đủ quy mô ứng phó với biến đổi khí hậu ngay tại thôn bản, được hỗ trợ tiếp cận thị trường để tiêu thụ nông sản...
 
 
Tại bản Nà Cà (xã Bình Lư, huyện Tam Đường), triển khai mô hình, mỗi thôn, bản hình thành nhóm nông dân nòng cốt. Cán bộ dự án hướng dẫn người dân lập kế hoạch sản xuất, áp dụng các kỹ thuật canh tác mới, hướng tới thị trường nông sản sạch, giá trị kinh tế cao. Với lợi thế cây kinh tế sẵn có là cây chè, bản Nà Cà đã hình thành nên nhóm sản xuất chè với toàn bộ 61 hộ trong bản trên tổng diện tích ban đầu 12,6 ha.
 
 
Sau khi tham gia dự án, người dân được hỗ trợ phân bón, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Nhờ vậy, diện tích chè thoái hóa trên địa bàn được khắc phục, chất lượng, năng suất chè cũng tăng lên 50-60%.
 
 
Hội ND tỉnh còn phối hợp các nhà khoa học của dự án, kết nối người nông dân trồng chè tại Nà Cà với các doanh nghiệp. Qua đó phía doanh nghiệp cam kết đầu tư chăm sóc, hướng dẫn kỹ thuật, thu hái và bao tiêu sản phẩm cho 100% số hộ trồng chè. Đổi lại, để sản phẩm chè có thể vào được những thị trường khó tính như châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc), quá trình canh tác của nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm sản phẩm chè sạch, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
 
 
Ngoài mô hình chính là trồng chè, dự án còn triển khai đồng thời hai mô hình phụ là nuôi gà và ủ phân. Trong đó, việc nuôi gà giúp tăng thu nhập cho người dân, còn phân thải từ chăn nuôi gà sẽ được ủ để bón cho cây chè, từ đó hạn chế việc dùng phân hóa học. Bà con đã nâng cao nhận thức, không sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu làm ảnh hưởng đến môi trường.
 
 
Sau ba năm triển khai, diện tích chè của bản tăng từ 12,6 ha ban đầu lên 22,4 ha. Thu nhập của người dân cũng tăng từ mức 16,5 triệu đồng/người/năm lên 21 triệu đồng/người/năm. Trong đó, thu nhập chính chuyển từ cây lúa, ngô, sắn sang cây chè. Đóng góp của cây chè trong thu nhập gia đình từ 50% trước dự án lên 80% sau dự án.
 
 
Tại Hòa Bình, các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia hưởng ứng các hoạt động bảo vệ môi trường như: Tuần lễ nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, Ngày Đa dạng sinh học - Ngày Đất ngập nước; Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn, ngày Môi trường thế giới, phòng chống rác thải nhựa, bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn; tuyên truyền công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về môi trường, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng, bảo vệ môi trường không khí... Đã có 100% hộ gia đình hội viên sử dụng nước sạch và có nhà vệ sinh tự hoại, có hệ thống nước tưới và nước sinh hoạt hàng ngày không ảnh hưởng đến cộng đồng, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh; rác thải của các hộ gia đình được thu gom theo quy định.
 
 
Hàng năm, Hội ND tỉnh phát động phong trào trồng “Hàng cây nông dân” được các cấp Hội và hội viên, nông dân đồng tình hưởng ứng. Đến nay có 137/151 xã đã thực hiện trồng được 53.565 cây với chiều dài là trên 200km, với 283 hàng cây nông dân có gắn tên biển của Hội.
 
 
Hội còn phối hợp với các cấp, các ngành, các đơn vị liên quan xây dựng được hơn 1.000 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn; 84 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 189 vườn mẫu do Hội hỗ trợ; 02 mô hình “thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại nguồn” tại xã Yên Mông (thành phố Hòa Bình) xã Cư Yên (huyện Lương Sơn); 02 mô hình thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật tại xã Yên Trị (Yên Thủy) và xã Hợp Phong (Cao Phong); 01 mô hình xử lý rác thải làng nghề tại xã Đông Lai (Tân Lạc); 01 chi Hội ND nói không với rác thải nhựa tại Yên Thủy.
 
 
Tại Hà Nam, mô hình “Bể thu gom rác thải nguy hại trên đồng ruộng” bảo vệ môi trường được Hội ND huyện Bình Lục triển khai tại 17 xã, thị trấn. Các bể chứa được bố trí vị trí phù hợp, thuận tiện, đảm bảo cách xa nguồn nước sinh hoạt, xa khu dân cư để không ảnh hưởng tới môi trường xung quanh; đồng thời, số lượng bể được phân bố hợp lý giúp bà con nông dân thuận lợi khi tiến hành pha chế thuốc... Đến nay các cấp Hội đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng 700 “Bể thu gom rác thải nguy hại trên đồng ruộng” trên các cánh đồng. Nhờ đó, hạn chế được nguy cơ tiềm ẩn về tình trạng ô nhiễm môi trường, ý thức mỗi người dân cũng có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp xanh- sạch- bền vững.
 
 
Hay như mô hình “Xử lý rơm, rạ dư thừa sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học Sumitri bảo vệ môi trường” do Hội ND huyện Thanh Liêm triển khai tại xã Thanh Nguyên với hơn 20 hộ nông dân tham gia trên diện tích hơn 5 ha. Các hộ tham gia mô hình được Hội phối hợp hỗ trợ toàn bộ chế phẩm và hướng dẫn cách sử dụng chế phẩm khi làm đất, cách chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho lúa. Nhờ chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên toàn bộ diện tích lúa được sử dụng chế phẩm sinh học Sumitri phát triển tốt, ít sâu bệnh và giảm chi phí cho năng suất cao. Thông qua mô hình đã tạo thói quen cho người dân không đốt rơm, rạ sau thu hoạch góp phần bảo vệ môi trường. Đến nay mô hình đã nhân rộng tại 16 xã, tổng diện tích gần 100 ha với gần 200 hộ nông dân tham gia.
 
 
Thời gian tới, các cấp Hội sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, BVMT và chủ động ứng phó với BĐKH, trong đó tập trung vào những nội dung liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; vận động hội viên, nông dân thực hiện thu gom, phân loại, xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp, chất thải làng nghề ở nông thôn; xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp; trồng cây xanh, bảo vệ rừng; chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất, cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương.
Văn Thiện
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn